Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều



nguồn: newvietart.com/index4.101.html

Truyện Kiều là tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn trường tân thanh, tác phẩm đã đưa Nguyễn Du lên hàng danh nhân văn hóa thế giới. Có rất nhiều công trình nghiên cứu về đề tài này, tuy nhiên, trước Phan Ngọc, chưa có một công trình ngôn ngữ học nào nghiên cứu về phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều. Giáo sư là người đầu tiên thực hiện công trình nghiên cứu về vấn đề này.

Nội dung trọng tâm của cuốn sách này là phân tích, lý giải những cống hiến của một nhà thơ, một thiên tài, một tấm lòng trong thiên hạ. "Ít nhà thơ trên thế giới có khả năng đạt được tiếng vang sâu đậm trong dân chúng của mình như Nguyễn Du ở Việt Nam. Truyện Kiều của ông là cuốn sách kinh điển của văn chương Việt Nam nhưng là một thứ kinh điển mọi người đều biết, không có ai là ngoại lệ" (Georges Boudarel).

Viết về một kiệt tác không có gì là khó khăn, nhưng để viết làm sao vừa hay, vừa lạ, vừa chất, vừa có giá trị lại là một chuyện hoàn toàn khác. Viết về một nhà văn nổi tiếng thì có hàng nghìn tư liệu để viết, nhưng viết làm sao để người ta nhớ tới mình, cảm ơn mình, viết làm sao để không thẹn với tác giả ấy, ngòi bút ấy hay chính ngòi bút của mình thì lại là một chuyện cần phải tốn nhiều giấy mực. Trong viết văn cũng giống như vậy. Một nhà văn khi xây dựng phong cách của mình, có những yếu tố vay mượn và có những yếu tố sáng tạo. Phong cách một nhà văn, dù có vĩ đại đến đâu, cũng phải phản ánh phong cách thời đại. Nguyễn Du có một kiểu lựa chọn riêng, không giống kiểu lựa chọn của Thanh Tâm Tài Nhân, và GS.Phan Ngọc đi tìm lý do giải thích kiểu lựa chọn của Nguyễn Du. Đây là một điểm tốt cho con đường tiếp cận Truyện Kiều và Nguyễn Du của tác giả.

Nguyễn Du cũng là một con người của thời đại, ông có những cách lựa chọn mà thời đại khuyến khích ông. Qua tác phẩm cũng như qua chính cuốn sách này, ta sẽ thấy rõ tính thời đại của nghệ thuật ông. Dẫu sao, nghệ thuật của ông cũng thể hiện sâu sắc nhất và điển hình nhất nghệ thuật của thời đại, qua đó lại thấy được phong cách thời đại... Việc đặt Nguyễn Du vào sự đối lập với các văn hào của thế giới cũng là một phương pháp nghiên cứu quan trọng, bởi qua đó ta chứng minh được sự vĩ đại của Nguyễn Du. Vì thế, Phan Ngọc nghiên cứu đánh giá trên nhiều khía cạnh: vấn đề tư tưởng, phương pháp tự sự, bố cục theo yêu cầu của kịch, ngôn ngữ, câu thơ, ngữ pháp...

Mặc dù bản thảo cuốn sách Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều được Phan Ngọc hoàn thành năm 1965, hai mươi năm sau (1985) cuốn sách mới được ra mắt bạn đọc ở nhà xuất bản Khoa học xã hội, bởi như tác giả nói "còn để bổ sung hoặc sửa chữa hệ thống thao tác". Và cũng có thể là nó gặp rất nhiều những thách thức mà một tác phẩm "vượt thời" luôn mắc phải. Tuy nhiên, nói như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: "Cuốn sách vẫn sừng sững như một thách thức". Phải, nó cũng thách thức chính những người đang nghiên cứu, đang muốn tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Truyện Kiều là một niềm tự hào của dân tộc Việt "trên từ các bậc văn nhân thi sĩ, dưới đến các kẻ thường dân phụ nhụ, ai cũng thích đọc, thích ngâm và thuộc được ít nhiều..." (Dương Quảng Hàm). Ca dao lại có câu:
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống chè Mạn Hảo, xem Nôm Thúy Kiều.

Nói thế để chúng ta biết Truyện Kiều có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống dân tộc, vì vậy việc hiểu Truyện Kiều đối với thế hệ chúng ta ngày nay là một điều cực kì cần thiết. Chúng ta không thể khơi khơi nói rằng Truyện Kiều rất hay, Nguyễn Du rất tài được. Chúng ta phải hiểu cái hay đó như thế nào? Cái tài đó thể hiện ở đâu? Đây cũng là một kho báu văn hoá mà những ai muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè năm châu.

Tôi từng quen một giảng viên của đại học California, bà đang nghiên cứu về Truyện Kiều trên báo chương Việt Nam. Tôi thực sự rất phục lòng kiên trì của bà khi tìm hiểu về một tác phẩm nổi tiếng như vậy. Vì nó nổi tiếng nên số lượng các bài viết về nó nên báo chương 3 thế kỉ nay thực sự là một con số khổng lồ. Nhưng bà nói: yêu và say mê. Đơn giản vậy thôi. Tôi hi vọng sau công trình công phu và nghiêm túc của bà, Truyện Kiều sẽ được nhiều người quan tâm hơn ở ngoài biên giới Việt Nam.

Còn GS. Phan Ngọc, với tình yêu đối với Truyện Kiều, ông đã mang đến cho chúng ta một cuốn sách khơi rất nhiều suy nghĩ mới về một kiệt tác của một thiên tài theo hướng mở. Nếu bạn là một người nghiên cứu văn chương thực sự, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều những nhận định mang tính luận đề. Bạn sẽ có cơ hội chứng minh hoặc phản bác. Nếu bạn là một người yêu văn chương hay đơn giản là yêu Truyện Kiều, thích Nguyễn Du, bạn cũng có thể thấy được những yêu ghét của cuộc đời dành cho tác phẩm này để rồi ngẫm nghĩ và thích thú.

Hãy đọc để thấy Nguyễn Du và Truyện Kiều thực sự đáng được muôn đời tôn vinh...

Hạnh Lê

nguồn: http://ngoisao.net/News/Truyen-hay/2010/04/3B9CF18B/

2 nhận xét:

  1. Chà, làm về tranh luận Nguyễn Du nhiều rùi nên giờ bài viết nào cũng viết về cụ Nguyễn hen :))

    Trả lờiXóa
  2. hihi. Có khi là có duyên với cụ ý đấy. tại thấy cụ ấy với Kiều nổi tiếng quá nên "thấy người sang bắt quàng làm họ" ấy mà.

    Trả lờiXóa