Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Hướng nào Hà Nội cũng sông

Người bốn phương tụ về, chỉ mượn cái bãi đất sông Hồng mà làm nên Hà Nội. Người ở đâu về đây lâu, rồi cũng dần dần ra người dễ chan hòa, khoáng đạt. Trong cả nếp nghĩ, nếp sống.

Tôi - một người ngoại tỉnh, cũng mới sống ở Hà Nội được trên dưới hai năm, vẫn luôn ngưỡng mộ người Hà Nội lắm, vẫn yêu bờ hồ lắm, vẫn hớn hở như trẻ con khi đợi tới lượt mình bước vào thăm lăng Bác lắm... Nói chung, Hà Nội với tôi vẫn là một trái tim trong lành, luôn lắng sâu với một nhịp đập của mùa thu.

Hà Nội với con mắt của bố mẹ tôi - những người nông dân thứ thiệt - vẫn là một nơi để hướng tới. Hai người nói rằng: mai mốt bố mẹ ra Hà Nội con dẫn bố mẹ đi thăm chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, cầu Thê Húc (các cụ còn nhắc tôi là cái cầu "cong cong như con tôm" ấy, sợ tôi nhầm với cầu Chương Dương hay Nam Thăng Long). Hà hà! Hà Nội với những người dân quê vẫn là "một trái tim hồng", vẫn là phần thưởng một chuyến đi thăm cho những "cháu ngoan Bác Hồ". Tất nhiên, đó là do ở quê tôi, mọi người chưa được đọc Hướng nào Hà nội cũng sông của Hồ Anh Thái.

Phải nói là cái ông tiến sĩ Văn hoá mà lại còn làm việc ở bộ Ngoại Giao này rất chi là... hài hước. Viết mà cứ như đang nhâm nhi với ta vài chén rượu ấy. Tôi thì không thích rượu nhưng mà rất thích những câu chuyện của ông nhà văn - tiến sĩ này. Ông ấy nói rằng: nghe đi, ta là ta cứ nói thẳng nói thật, không dấu gì đâu, ta cũng chả việc gì phải ngại... mà đúng là vị này không ngại thật. Thế mới thích. Ông bảo, này đúng là "hướng nào Hà Nội cũng sông" đấy. Sông Hồng ôm gọn Hà Nội từ mấy phía mà. Sông Hồng lúc nào cũng tốt với Hà Nội.

Ông cho in cuốn sách này làm cho dư luận xôn xao lắm. Có người thích, có người không... muốn thích. Chúng tôi và "họ" được một phen nói chuyện với nhau, công khai luôn, không úp mở nữa. Họ rỉ tai nhau, cái phố Hàng Trắng là phố nào nhỉ? Phố Quan là phố nào? Cái ông nào ở tỉnh mà hạ cánh về Hà Nội an toàn nhỉ? Ông nào đi xây trang trại ở trên mấy vùng lân cận đây? Đấy là họ xôn xao về những người khác, tất nhiên không phải họ. Mà cũng có nhiều người chỉ dám đọc cuốn sách này một mình. Chết có khi cái ông nhà văn này đang nói chuyện mình. Ngẫm lại thì lão này nói đúng rồi, nhưng tất nhiên may mà không ai biết nhân vật chính của câu chuyện lại là người đồng nghiệp, người hàng xóm của họ.

Mà này ông Hà Nội ơi, tôi biết ông yêu Hà Nội lắm. Chả có ai không yêu Hà Nội mà lại đạp xe vòng quanh Hà Nội vào sáng mồng một Tết và chẳng ai lại viết được những dòng tâm huyết về Hà Nội như ông vào những ngày tháng thời tiết thay đổi thất thường làm Hà Nội bồn chồn bất an như bây giờ cả. Nhà ông có khi không phải là "ngõ nhỏ, phố nhỏ" nhưng ông biết được Hà Nội của ông thực chất đang quay cuồng như thế nào thì tôi chắc ông cũng có một trái tim biết nở hoa.

Hôm qua, tôi được mời đến một gia đình Hà Nội "thứ thiệt". Ở phố nhỏ thật, ngõ nhỏ thật và nhà cũng nhỏ thật. Tôi rất háo hức, không phải chỉ vì lần đầu tiên có một người Hà Nội "thật" mời tôi vào nhà, mà tôi hồi hộp còn vì khi quen người này, tôi biết Hà Nội không chỉ có những người văng tục, những người bon chen, những người ngả nghiêng trong phố xá. Tôi biết Hà Nội vẫn lịch lãm, đẹp và phong lưu. Và cái gia đình nhỏ ấy đúng là không làm tôi thất vọng, nếp sống bình lặng, giọng nói từ tốn và thích đọc sách. Như vậy đã đủ để tôi vẫn tin còn có một Hà Nội khác, một Hà Nội đẹp hơn sau những trang văn của Hồ Anh Thái.

Thật thà mà nói, cái ông tiến sĩ này cũng thương Hà Nội và vẫn tin ở Hà Nội. Ông bảo: "Hà Nội có chất mềm mại uốn lượn của sông. Có cái dịu dàng trầm tĩnh của nước và cả sự bao dung của nước. Bao nhiêu dòng đục đổ vào sông đều hoà nhập làm một. Bao nhiêu thứ chưa sạch được rửa trôi, khoả lấp và làm cho trong sạch trở lại. Nước tiếp nhận, dung chứa và thanh lọc tất cả. Nhẹ nhàng thôi mà “nước chảy đá mòn". Vâng, ông cũng đang nhắc nhở người Hà Nội và những người "sắp" là người Hà Nội, dù có một người mẹ bao dung như sông Hồng thì cũng đừng làm nũng quá, đừng mè nheo quá, đừng sỗ sàng quá... đừng làm mẹ đục lại thêm đục nữa.

Hi vọng rằng sau khi đọc Hướng nào Hà Nội cũng sông, người Hà Nội tự dưng bừng tỉnh, người ngoại tỉnh chợt nhìn lại chính mình, người Việt Nam nhìn lại thủ đô yêu dấu, người người trong chúng ta thương Hà Nội hơn, vì Hà Nội hơn. Còn tôi, một đứa sống ở Sài Gòn, yêu Sài Gòn rồi và cũng mới sống ở Hà Nội chưa đầy hai năm cũng sẽ bắt đầu thấy thích Hà Nội. Để mỗi người trong chúng ta có thể ngồi xem bộ phim "Hà Nội, anh yêu em" của mấy nhóc "mê Hà Nội" một cách chân thành nhất.

Tất nhiên tôi vẫn phải một lần nữa cảm ơn Hồ Anh Thái - một người Hà Nội.

Hạnh Lê
nguồn: ngoisao.net

2 nhận xét:

  1. Đúng là làm ở ngoisao.net nên một công đôi việc hen. Đăng bài được nhiều chỗ :)

    Trả lờiXóa
  2. uh. May mà đó là công việc nên mới chịu khó viết. Nhưng bài mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sách nên... còn nhiều hạn chế lắm. Hôm nay sang thăm nhà Na đây.

    Trả lờiXóa